Sớm đưa Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) của Đảng vào cuộc sống
Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến.
Dự hội nghị về phía tỉnh có các đồng chí: Phạm Văn Sinh, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; trưởng, phó các sở, ban, ngành, MTTQ, đoàn thể tỉnh, Trường Chính trị tỉnh, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn; báo cáo viên cấp tỉnh; các đồng chí ủy viên ban thường vụ; trưởng, phó ban tuyên giáo, chánh văn phòng huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND, chánh văn phòng HĐND, UBND các huyện, thành phố; báo cáo viên cấp huyện.
Tiếp theo chương trình hội nghị ngày 29/11, sáng ngày 30/11 các đại biểu được nghe đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ quán triệt Nghị quyết số 20-NQ/TW “về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”. Đồng chí nhấn mạnh việc bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ là trách nhiệm của mỗi người dân, từng gia đình, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; đòi hỏi sự tham gia tích cực, chủ động của các cấp uỷ đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, trong đó ngành Y tế là lực lượng nòng cốt hàng đầu. Quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết đó là: Nhà nước cần phát huy vai trò chủ đạo của các bệnh viện và cơ sở y tế công lập trong việc tổ chức cung cấp dịch vụ y tế, bảo đảm các dịch vụ cơ bản cho đông đảo nhân dân, đồng thời khuyến khích cung cấp dịch vụ theo yêu cầu. Phát triển nền y học Việt Nam khoa học, dân tộc, đại chúng; xây dựng nền y tế công bằng, nhân văn, hiệu quả, chất lượng và hội nhập. Phát triển cân đối, đồng bộ giữa y tế phổ cập và y tế chuyên sâu, giữa dân y và quân y, gắn kết y học cổ truyền với y học hiện đại. Thực hiện phòng bệnh hơn chữa bệnh; y tế dự phòng là then chốt; y tế cơ sở thực sự là nền tảng. Đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống các cơ sở y tế hiện có của Nhà nước, bao gồm cả dân, quân y, gắn với khuyến khích hợp tác công - tư, phát triển lành mạnh y tế ngoài công lập; xây dựng hệ thống y tế rộng khắp, gần dân, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; nâng cao y đức; phát triển ngành dược và thiết bị y tế, bảo đảm đủ thuốc tốt và thiết bị bảo đảm chất lượng. Chăm lo phát triển nguồn nhân lực và khoa học ngành Y…
Về công tác dân số trong tình hình mới, đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ khẳng định: Chính sách hạn chế mức sinh của ta kéo dài, rộng khắp cả nước bắt đầu bộc lộ những hệ luỵ cần sớm được khắc phục. Cần có sự đổi mới mạnh mẽ về tư duy, cách làm để giải quyết toàn diện, đồng bộ, có hiệu quả các vấn đề về dân số. Phấn đấu duy trì ổn định vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ lệ giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; duy trì và tận dụng có hiệu quả lợi thế cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hoá dân số, nâng cao chất lượng dân số, phân bố dân số phù hợp với quá trình phát triển. Đồng thời tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hoá gia đình sang dân số và phát triển; chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ gắn bó hữu cơ với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Coi công tác dân số và phát triển là nhiệm vụ của toàn dân; đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển bền vững; Nhà nước ưu tiên bố trí ngân sách, đồng thời đẩy mạnh xã hội hoá; tranh thủ sự hợp tác, hỗ trợ của quốc tế, bảo đảm nguồn lực cho công tác dân số.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã trực tiếp giải trình một số ý kiến, kiến nghị của các đại biểu.
Để Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) của Đảng sớm đi vào cuộc sống, đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc trung ương và các tổ chức đảng tiếp tục tổ chức các hội nghị học tập, quán triệt nghị quyết ở địa phương, đơn vị cho các đối tượng chưa được dự hội nghị này bảo đảm chất lượng, đúng thời gian quy định. Bố trí thời gian hợp lý, thỏa đáng để xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết sát với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị với giải pháp cụ thể, lộ trình khẩn trương, nguồn lực bảo đảm, phân công trách nhiệm rõ ràng, quyết tâm cao để đưa nghị quyết vào cuộc sống. Kiên quyết khắc phục hiện tượng sao chép chương trình, kế hoạch hành động của cấp trên hoặc xây dựng một cách chung chung. Làm tốt công tác tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong quá trình tổ chức thực hiện các nghị quyết tạo sự thống nhất ý chí trong Đảng, đồng thuận trong xã hội. Phát huy vai trò trách nhiệm của các cơ quan báo chí, xuất bản, thông tin đại chúng từ trung ương tới địa phương, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên để đẩy mạnh tuyên truyền những cách làm mới, mô hình tốt trong thực hiện các nghị quyết; đấu tranh phê phán các quan điểm, luận điệu sai trái; không để các các thế lực thù địch, các phần tử xấu lợi dụng xuyên tạc, chống phá, chia rẽ nội bộ. Tăng cường công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện nghị quyết một cách thường xuyên. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những đơn vị làm tốt; nhắc nhở, phê bình, xử lý theo quy định của Đảng đối với các đơn vị, cá nhân thực hiện chưa nghiêm túc, không hiệu quả.