A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trao đổi với kỹ sư Trần Thị Thùy Linh – Cán bộ Trung tâm khuyến nông huyện về kỹ thuật trồng và chăm sóc bí xanh

Cùng với việc thu hoạch lúa mùa thì nông dân huyện nhà cũng đang tích cực gieo trồng 2500 ha cây vụ đông ưa ấm, với cây chủ lực là Bí và ngô. Để giúp nông dân chăm sóc Bí xanh đúng cách hiệu quả, phóng viên Đức Chung có cuộc trao đổi với Kỹ sư Trần Thị Thùy Linh – Cán bộ Trung tâm khuyến nông huyện về chăm sóc bảo vệ cây Bí xanh. Mời quý vị và các bạn cùng tham khảo.

PV: Xin chào kỹ sư Trần Thị Thùy Linh. Thưa kỹ sư, hiện tại thì nông dân các địa phương đang tiến hành trồng bí xanh vụ đông, xin kỹ sư cho biết trong giai đoạn này bà con nông dân cần lưu ý gì?

Kỹ Sư: xin chào bà con, chào phóng viên Đức Chung

Bầu, bí là cây ưa ấm lại thụ phấn nhờ ong bướm nên khi ra hoa cần điều kiện thời tiết nắng ấm mới đậu quả. Vì vậy vụ đông trồng được càng sớm càng tốt. Bà con nên gieo hạt từ 01/9 - 15/9. Tốt nhất đưa cây ra ruộng trồng trong tháng 9, muộn nhất đến ngày 10/10.

Hiện nay trên thị trường có nhiều loại bí xanh có năng suất cao, chất lượng tốt được thị trường ưa chuộng như giống bí xanh số 1, bí xanh số 2 của viện cây lương thực - cây thực phẩm. Giống bí xanh số 2 có thời gian sinh trưởng trên 100 ngày, dài hơn bí xanh số 1 khoảng 5 - 7 ngày nhưng chất lượng ngon, chịu rét khá hơn, năng suất cao, có thể bảo quản lâu hơn mà không ảnh hưởng đến chất lượng.

Pv: Để giúp cây bí phát triển tốt ngay từ thời gian đầu, bà con nông dân cần phải chăm sóc như thế nào

- Kỹ sư trả lời:

 Sau khi trồng cần tưới nước đủ ẩm giúp bí nhanh bám đất, để kích thích rễ phát triển tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng, sau trồng 2 - 3 ngày dùng lân Supe ngâm nước giải pha loãng tưới cho cây.

- Kết hợp xới xáo nhẹ cho thoáng gốc, dặm tỉa cây chết.

- Sau trồng nếu gặp mưa phải tiêu thoát nước nhanh giúp cho cây không bị thối rễ, chết dột, đảm bảo được mật độ.

- Nếu trời nóng xen kẽ mưa, cây dễ bị bệnh lở cổ rễ, có thể dùng Validacin (nhật), Anvil... để phun.

- Sau khi thu hoạch lúa, vét rãnh hoàn thiện luống, rơm rạ khô trải ra ruộng để khi bí bò bám tua không bị gió lật và kê quả giúp mẫu mã quả đẹp hơn.

- Khi cây được 5 - 6 lá thật (bắt đầu ngả ngọn bò), kết hợp vun lần 1. Đồng thời luôn giữ ẩm cho cây.

Pv: Khi mà cây bắt đầu ra hoa đậu quả thì kỹ sư có lưu ý gì thêm đối với bà con nông dân.

- Kỹ sư trả lời:

Loại bỏ những quả mới đậu bị dị dạng và tỉa bỏ các nhánh ra ở sau vị trí đậu quả. Nếu để bí bò lan có thể dùng đất chặn ngang một số đốt thân để bí ra rễ bất định, tăng khả năng hút dinh dưỡng của cây. Khi cây bò kín mặt ruộng hoặc bắt đầu ra hoa có thể rắc vôi ra toàn ruộng có tác dụng diệt  nấm bệnh trên lá, vỏ quả dày hơn, bảo quản lâu hơn;

Thụ phấn bổ sung: Họ bầu, bí có hoa to, hoa đực và hoa cái riêng nên thụ phấn nhờ ong bướm là chủ yếu. Để quả đẹp tỉ lệ đậu quả cao thì cần thụ phấn bổ sung, thời điểm tiến hành vào 9h đến 10h sáng. Chọn hoa đực mới nở, bẻ hết cánh hoa lấy chùm nhị đem thụ phấn cho hoa cái.

Pv: Thưa kỹ sư, ở giai đoạn đầu của bí thường hay xuất hiện sâu bệnh gì, bà con nông dân cần phải làm gì để bảo vệ an toàn cho bí.

- Kỹ sư trả lời:

Đối với công tác phòng trừ bệnh cho cây bí xanh có hai bệnh phổ biến sau:

Bệnh sương mai làm cho lá cháy xém từng đoạn, dây cháy từng khúc thì bà con có thể dùng thuốc Rhidomil hoặc Score.

Bệnh phấn trắng, trên lá có lớp phấn trắng bao phủ làm giảm khả năng quang hợp. thì đối với bệnh này thì bà con có thể dùng  Bayleston, Bavisty. Các loại thuốc pha theo đúng nồng độ và phun ướt đẫm trên thân, lá.

 

Vâng xin cảm ơn kỹ sư đã tham gia cuộc trao đổi với chúng tôi./.

 

 

Pv: Đức Chung


Nguồn:donghung.thaibinh.gov.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Danh mục tin
Thăm dò ý kiến
Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 68
Hôm qua : 416
Tháng 06 : 3.623
Năm 2023 : 127.650