A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát huy tinh thần Cách mạng Tháng Tám, Thái Bình vững bước trên hành trình đổi mới.

Cách đây 79 năm - tháng 8/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Thái Bình cùng với cả nước đã vùng lên đấu tranh làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám “long trời, lở đất”, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Phát huy truyền thống yêu nước của quê hương, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn thực hiện mục tiêu trở thành tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng.

Dấu son lịch sử 

Trong không khí hào hùng của những ngày thu tháng tám, chúng tôi tìm gặp người cán bộ tiền khởi nghĩa Lều Vũ Cự, 96 tuổi đời, 76 năm tuổi đảng (phường Phúc Khánh, thành phố Thái Bình) để nghe ông kể về những ngày đấu tranh giành chính quyền tháng 8/1945. Tham gia cách mạng từ năm 17 tuổi, cũng là lúc cả nước đang sục sôi khí thế chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa, tinh thần và nhiệt huyết của chàng trai trẻ Lều Vũ Cự lúc ấy hết thảy đều dành cho cách mạng. Ông kể: Trước năm 1945, dưới ách thống trị của thực dân, phong kiến, nhân dân ta bị bóc lột đến tận xương tủy. Nạn đói khủng khiếp năm 1945, Thái Bình là một trong những địa phương chịu hậu quả nặng nề nhất nên nhân dân ai cũng căm hờn, oán hận, muốn vùng lên đấu tranh giành chính quyền. Tôi và nhiều thanh niên tiên tiến của địa phương đã tham gia phong trào Việt Minh với mong muốn giải phóng chính mình, giải phóng cho đồng bào. Những ngày đầu tháng 8/1945, khí thế khởi nghĩa đã sục sôi ở nhiều nơi, quần chúng tham gia biểu tình thị uy, hô vang các khẩu hiệu: “Việt Minh vạn tuế!”, “Việt Nam độc lập vạn tuế!” ở khắp các làng xã. Với vai trò Bí thư Thanh niên cứu quốc xã Thái Công (nay là xã Vũ Công, huyện Kiến Xương), Trưởng ban Tuyên truyền xã, tôi đã vận động hàng trăm người dân kéo về vây quanh phủ lỵ Kiến Xương ngày 21/8/1945. Chỉ sau mấy phát súng hiệu, đoàn người đã kéo vào tịch thu toàn bộ súng đạn, hồ sơ, niêm phong công sở, đồng thời biến phủ lỵ thành trụ sở Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời của Kiến Xương. 

Năm nay 92 tuổi nhưng ông Nguyễn Như Ngô, thôn Đề Quang, xã Nguyên Xá (Đông Hưng) vẫn minh mẫn kể lại khí thế sục sôi của những ngày thu lịch sử tháng 8/1945. “Lúc ấy tôi 13 tuổi, tham gia Đội Thiếu nhi cứu quốc, nói đến Việt Minh còn chưa biết gì nhưng rất căm ghét bọn cường hào ác bá trong làng. Người dân ai cũng ý thức cách mạng tốt, đều tham gia khởi nghĩa, hết mít tinh, biểu tình trong làng, trong xã rồi tiến về phủ Tiên Hưng giành chính quyền, hô vang các khẩu hiệu: “Đả đảo đế quốc, đả đảo phong kiến!”, “Ủng hộ Việt Minh!”. Không có lực lượng vũ trang, nhân dân chỉ cầm gậy gộc, giáo mác nhưng binh lính và nha lại đã sợ hãi xin hàng” - ông Ngô kể lại. 

Qua ký ức của những nhân chứng và lật lại những trang sử hào hùng của Đảng bộ tỉnh, mỗi người dân Thái Bình đều tự hào về truyền thống yêu nước của quê hương, tinh thần quả cảm của các thế hệ đi trước. Cách đây 79 năm, tháng 8/1945, nhân dân khắp nơi trong tỉnh muốn vùng lên đập tan xiềng xích của thực dân, phong kiến, tay sai. Mặc dù chưa nhận được mệnh lệnh khởi nghĩa của Trung ương nhưng nhận thấy thời cơ cách mạng đã chín muồi, chiều ngày 18/8/1945, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã họp bàn kế hoạch và quyết định khởi nghĩa trong toàn tỉnh với mục tiêu chiếm các phủ huyện trước rồi tập trung lực lượng các địa phương kéo lên thị xã Thái Bình giành chính quyền. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền nổ ra đầu tiên và giành thắng lợi ở Thái Ninh đã cổ vũ quần chúng khắp nơi trong tỉnh nổi dậy. Chỉ trong 6 ngày, từ 18 - 23/8/1945, chính quyền từ tỉnh, huyện đến các làng xã ở Thái Bình đã về tay nhân dân. Sáng ngày 25/8/1945, khoảng 1 vạn quần chúng ở thị xã Thái Bình và đại biểu quần chúng các phủ huyện đã về dự mít tinh lớn tại thị xã để chào mừng Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời và Tỉnh bộ Việt Minh ra mắt nhân dân. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945 đánh dấu bước ngoặt vĩ đại của phong trào đấu tranh cách mạng ở Thái Bình dưới sự lãnh đạo của Đảng. Cùng với nhân dân cả nước, từ đây, nhân dân Thái Bình bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do - đánh dấu sự thay đổi tích cực chưa từng có ở mỗi con người, trong từng gia đình và toàn xã hội. 

Vững bước đi lên 

79 năm qua, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình luôn vững tin theo Đảng, đoàn kết một lòng, vượt qua khó khăn, xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh. Qua gần 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức song cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã có nhiều đổi mới trong tư duy, sáng tạo trong cách làm, tập trung xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; chú trọng tháo gỡ những “nút thắt”, “điểm nghẽn”, tạo đột phá đưa Thái Bình chuyển mình mạnh mẽ trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân 3 năm 2021 - 2023 đạt 8,18%; 6 tháng đầu năm 2024 tăng 7,96% (đứng thứ 7 vùng đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 16 cả nước). Để phá thế “ốc đảo” - 3 mặt giáp sông, một mặt giáp biển, Thái Bình đã huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng nhiều cây cầu, tuyến giao thông kết nối với các tỉnh, thành phố duyên hải Bắc Bộ; xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; xây dựng Khu kinh tế thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh, tạo được niềm tin, sức hấp dẫn thu hút nhiều nhà đầu tư có uy tín trong và ngoài nước. Tổng vốn đầu tư đăng ký trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2023 đạt 153.011 tỷ đồng, tăng 3,5 lần so với giai đoạn 2016 - 2020; trong đó, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt trên 4,1 tỷ USD, cao hơn tổng số vốn FDI của tỉnh từ năm 2020 trở về trước. 6 tháng đầu năm 2024, thu hút vốn đầu tư của tỉnh đạt 7.769,9 tỷ đồng, gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, vốn FDI đạt 232 triệu USD, gấp 5,7 lần so với cùng kỳ năm 2023. 

Trường Tiểu học Đông Sơn (Đông Hưng) chú trọng đổi mới phương pháp dạy và học.

Trên bước đường đổi mới, các miền quê của Thái Bình đang có sự đổi thay tích cực. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên. Toàn tỉnh giờ không còn hộ đói, hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều giảm còn 1,87%. Đến nay Thái Bình có 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu, 34 xã nông thôn mới nâng cao. Nhân dân vui mừng, phấn khởi trước sự đổi thay rõ nét của quê hương. Đường làng, ngõ xóm được bê tông rộng rãi; trường học, trạm y tế được đầu tư khang trang; nhà văn hóa thôn được xây dựng kiên cố, là nơi hội họp, tổ chức các hoạt động cộng đồng cho nhân dân... Những ngôi nhà tranh vách đất, nhà cấp bốn xập xệ, xuống cấp đã được thay thế bằng những ngôi nhà mái bằng, nhà cao tầng. 100% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch. 

Không chỉ bày tỏ tin tưởng tuyệt đối vào đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, nhân dân còn thể hiện rõ quyết tâm phát huy tinh thần đoàn kết, tiếp tục chung sức đồng lòng xây dựng và phát triển quê hương. Bà Phạm Thị Cọn, thôn Cam Mỹ, xã An Ấp (Quỳnh Phụ) phấn khởi chia sẻ: Đời sống người dân nông thôn giờ sướng gấp trăm lần trước kia, được thụ hưởng các tiện ích không khác gì thành phố. Vì vậy, khi xã có chủ trương mở rộng đường giao thông trong thôn, gia đình tôi đã tự nguyện phá dỡ toàn bộ tường bao dài hơn 10m, hiến đất phục vụ giải phóng mặt bằng. Giờ đây đường làng, ngõ xóm được mở rộng, ô tô vào đến tận sân, bà con đi lại thuận tiện ai cũng phấn khởi. 

Kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám là dịp mỗi người dân Việt Nam ôn lại trang sử hào hùng và chói lọi của dân tộc, phát huy hào khí và những thành quả của cuộc cách mạng “long trời, lở đất”, càng tự hào, thêm quyết tâm và ý chí hành động xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng. Trong âm vang của bản hùng ca chiến thắng, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình nguyện phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, viết tiếp bản hùng ca trong thời đại mới.


Tác giả: Mạnh Cường
Nguồn:Baothaibinh.com.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Chưa có thông tin
Bản đồ số