Các trường mầm non đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm các bữa ăn bán trú
Những năm học qua, các Trường Mầm non trong huyện luôn chú trọng công tác chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục trẻ. Ngoài việc phối hợp với Trạm y tế tổ chức khám sức khỏe, tiêm chủng định kỳ, theo dõi trẻ trên biểu đồ tăng trưởng cho 100% trẻ. Trẻ em suy dinh dưỡng ở thể thấp còi và nhẹ cân đều được ăn phục hồi 2 đến 3 ngày/tuần. Bên cạnh đó, các trường còn thực hiện nghiêm túc chương trình giáo dục mầm non mới theo quy định của Bộ giáo dục và đào tạo, 100% số nhóm lớp dạy đủ 5 lĩnh vực giáo dục phát triển thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm, kỹ năng xã hội, thẩm mỹ. Do đó, tỷ lệ trẻ đạt các chỉ số phát triển ở các lĩnh vực giáo dục năm sau cao hơn năm trước, riêng năm học 2018 - 2019 trẻ phát triển kênh bình thường đạt trên 98% tăng hơn 1% so với năm học trước.
Chủ động phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, ngộ độc thực phẩm trong các bữa ăn bán trú, UBND huyện chỉ đạo các nhà trường ký hợp đồng mua thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng với các cơ sở cung ứng có uy tín; áp dụng nghiêm túc quy trình chế biến thức ăn theo nguyên tắc một chiều; thực hiện tốt việc vệ sinh nhà ăn, bếp ăn, đảm bảo lưu mẫu thức ăn theo đúng quy định và thực hiện công khai thực đơn, thay đổi món ăn theo mùa. Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất; bồi dưỡng trình độ, kỹ năng cho đội ngũ nhân viên cấp dưỡng và đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm. UBND huyện cũng chỉ đạo các phòng, cơ quan chuyên môn tăng cường công tác kiểm tra đột xuất những bếp ăn trong trường học, kịp thời nhắc nhở và có biện pháp xử lý nghiêm đối với các cơ sở vi phạm, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho học sinh trong năm học 2019-2020.
Thực phẩm là nguồn cung cấp dinh dưỡng hàng ngày cho cơ thể, giúp cơ thể khoẻ mạnh, chống lại các nguy cơ của bệnh tật đang có mặt ở khắp nơi trong môi trường, giúp người ta hoạt động và làm việc. Như vậy, nếu nguồn thực phẩm không hợp vệ sinh, sức khỏe con người sẽ bị đe dọa.
Vệ sinh an toàn thực phẩm là việc bảo đảm thực phẩm không gây hại cho sức khoẻ, tính mạng người sử dụng, bảo đảm thực phẩm không bị hỏng, không chứa các tác nhân vật lý, hoá học, sinh học, hoặc tạp chất quá giới hạn cho phép, không phải là sản phẩm của động vật, thực vật bị bệnh có thể gây hại cho sức khỏe con người.
Bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm giữ vị trí quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân, góp phần giảm tỷ lệ mắc bệnh, duy trì và phát triển nòi giống, tăng cường sức lao động, học tập, thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, văn hóa xã hội và thể hiện nếp sống văn minh. Mặc dù cho đến nay đã có khá nhiều tiến bộ về khoa học kỹ thuật trong công tác bảo vệ và an toàn vệ sinh thực phẩm, cũng như biện pháp về quản lý giáo dục như ban hành luật, điều lệ và thanh tra giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng các bệnh do kém chất lượng về vệ sinh thực phẩm và thức ăn ở Việt Nam vẫn chiếm tỷ lệ khá cao.
Trong những năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam chuyển sang cơ chế thị trường. Các loại thực phẩm sản xuất, chế biến trong nước và nước ngoài nhập vào Việt Nam ngày càng nhiều chủng loại. Việc sử dụng các chất phụ gia trong sản xuất, chế biến thực phẩm trở nên phổ biến. Các loại phẩm màu, đường hóa học đang bị lạm dụng trong pha chế nước giải khát, sản xuất bánh kẹo, chế biến thức ăn sẵn như thịt quay, giò chả, ô mai … Nhiều loại thịt bán trên thị trường không qua kiểm duyệt thú y. Tình hình sản xuất thức ăn, đồ uống giả, không đảm bảo chất lượng và không theo đúng thành phần nguyên liệu cũng như quy trình công nghệ đã đăng ký với cơ quan quản lý. Nhãn hàng và quảng cáo không đúng sự thật vẫn xảy ra.
Ngoài ra, việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật bao gồm thuốc trừ sâu, diệt cỏ, hóa chất kích thích tăng trưởng và thuốc bảo quản không theo đúng quy định gây ô nhiễm nguồn nước cũng như tồn dư các hóa chất này trong thực phẩm. Việc bảo quản lương thực thực phẩm không đúng quy cách tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm mốc phát triển đã dẩn đến các vụ ngộ độc thực phẩm. Các bệnh do thực phẩm gây nên không chỉ là các bệnh cấp tính do ngộ độc thức ăn mà còn là các bệnh mãn tính do nhiễm và tích lũy các chất độc hại từ môi trường bên ngoài vào thực phẩm, gây rối loạn chuyển hóa các chất trong cơ thể, trong đó có bệnh tim mạch và ung thư.
Trong thời gian qua, cùng với việc nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ, vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong các trường học bán trú bậc mầm non trên địa bàn huyện Đông Hưng được quan tâm thực hiện một cách nghiêm túc. Đây là một tiêu chí quan trọng, được đặt lên hàng đầu của các trường tổ chức học bán trú.