Các đồng chí lãnh đạo huyện kiểm tra, chỉ đạo sản xuất sau mưa lớn.
Những ngày qua trên địa huyện đã xảy ra mưa vừa mưa to, với lượng mưa từ ngày 22/5 đến ngày 24/5 đạt trung bình 150mm, dự báo trong những ngày tới sẻ còn xảy ra mưa lớn. Trước tình hình trên, chiều ngày 24/5/2022, đồng chí Trần Quang Triển, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy; đồng chí Tô Xuân Thức, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; đồng chí Vương Đức Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện cùng lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện đi kiểm tra, đôn đốc chống úng cho lúa và cây màu tại một số địa phương.
Hiện nay, lúa xuân trên địa bàn huyện cơ bản trỗ xong, trong đó có khoảng 1000 ha lúa đỏ đuôi, dự kiến sẽ cho thu hoạch trong 10-15 ngày tới, hiện chưa có diện tích bị đổ. Bên cạnh đó 1000 ha cây màu hè đã trồng đang sinh trưởng phát triển tốt; riêng bí xanh, dưa đang cho thu hoạch lứa 2-3. Để đảm bảo an toàn cho lúa và hoa màu, các đồng chí lãnh đạo huyện chỉ đạo Xí nghiệp KTCTTL huyện cử cán bộ thường trực 24/24h theo dõi mực nước, mở tối đa các cống dưới đê để tiêu nước trong hệ thống. UBND các xã, các HTXDVNN huy động lực lượng khơi thông dòng chảy, đóng các cống tưới, mở các cống tiêu, triệt để tiêu nước đệm, đề phòng mưa lớn gây ngập úng lúa mùa, hoa màu, nhất là ở các khu vực trũng, thấp. Chủ động vận hành thử các trạm bơm tiêu, sẵn sàng bơm tiêu úng khi có yêu cầu. Đồng thời tuyên truyền vận động nông dân tranh thủ thu hoạch diện tích hoa màu đã đến kỳ thu hoạch và diện tích lúa mùa đã chín, tránh bị ảnh hưởng do điều kiện thời tiết. Cũng trong chiều ngày 24/5, các đồng chí lãnh đạo huyện đi kiểm tra khu vực sạt lở kè Hoa Nam, đoạn từ K16+400 đến K16+700. Được biết đoạn kè này bị dòng chủ lưu dịch chuyển chảy xoáy vào chân kè, gây xói lở nghiêm trọng, nhiều đoạn phần cơ kè bị sạt mất gần hết cơ đá, đường lạch sâu từ (-7.50)m đến (-10.60)m; hiện trạng chân kè năm 2022 so với hồ sơ hiện trạng kè tu bổ gần nhất năm 2014 sâu hơn từ (0,70 ÷ 3,20)m. Ngày 19/5 UBND huyện đã tập trung nhân lực, vật tư, phương tiện xử lý được 30m giờ đầu sự cố sạt lở, đoạn từ K16+470 đến K16+500 theo chỉ đạo của của Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình. Tuy nhiên các đoạn còn lại đang có xu thế sạt lở ngày càng mạnh, nếu không được đầu tư xây kè bảo vệ ngay thì khi lũ về sẽ gây sạt lở vào mái đê rất nguy hiểm cho công trình đê điều. Để đảm bảo an toàn công trình đê điều trong mùa lũ bão năm 2022 và những năm tiếp theo, UBND huyện đã đề nghị UBND tỉnh Thái Bình và các Sở, ngành xem xét, quyết định đầu tư khẩn cấp dự án xử lý khẩn cấp kè Hoa Nam, đoạn từ K16+400 – K16+700 xã Liên Hoa dài 300m.
Các đồng chí lãnh đạo huyện động viên nông dân thu hoạch Bí Xanh.