1. Vị trí địa lý, địa giới hành chính:

Huyện Đông Hưng nằm ở phía bắc của tỉnh Thái Bình. Huyện có 43 xã và 01 thị trấn, diện tích tự nhiên 19.930ha, dân số 233.455 người, phía Bắc giáp huyện Quỳnh Phụ, phía Tây Nam giáp huyện Vũ Thư, phía Nam giáp thành phố Thái Bình, phía Đông giáp huyện Thái Thụy, phía Đông Nam giáp huyện Kiến Xương, phía Tây và Tây Bắc giáp huyện Hưng Hà. Là huyện có hệ thống giao thông thủy bộ thuận lợi, nối địa bàn huyện với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, cảng Hải Phòng, thuận tiện cho việc giao lưu kinh tế, văn hóa trong vùng.

2. Lịch sử hình thành và phát triển huyện Đông Hưng

Huyện Đông Hưng được thành lập ngày 17 tháng 6 năm 1969 trên cơ sở hợp nhất 2 huyện Tiên Hưng và Đông Quan. Thời Bắc thuộc (trước thế kỷ 10) thuộc hương Đa Cương, đến nhà Hậu Lê thuộc trấn Sơn Nam Hạ.

Trước khi hợp nhất:

Huyện Đông Quan nằm ở khoảng phía Đông huyện Đông Hưng ngày nay. Từ cổ đến thời thuộc nhà Minh, huyện Đông Quan gọi là Cổ Lan, từ thời nhà Hậu Lê đến nhà Nguyễn đổi tên thành huyện Đông Quan và thuộc phủ Thái Ninh (tên phủ này thời nhà Lý là hương Thái Bình, nhà Trần gọi là lộ An Tiêm, nhà Hậu Lê gọi là phủ Thái Bình, nhà Tây Sơn gọi là phủ Thái Ninh, đầu nhà Nguyễn gọi là phủ Thái Bình sau đổi là Thái Ninh). Các năm 1832-1890, phủ Thái Bình thuộc tỉnh Nam Định, sau đó mới thuộc tỉnh Thái Bình. Lỵ sở của phủ Thái Bình, vào thời nhà Hậu Lê, lúc đầu là ở xã Đông Động huyện Đông Quan sau chuyển về Cát Đàm.

Huyện Tiên Hưng nằm ở khoảng phía Tây huyện Đông Hưng ngày nay. Huyện Tiên Hưng trước có tên là huyện Thần Khê, thuộc phủ Tiên Hưng (tên phủ này thời nhà Trần gọi là phủ Long Hưng, nhà Hồ và Hậu Lê gọi là phủ Tân Hưng, thời thuộc Minh trước nhà Lê gọi là Trấn Man, nhà Nguyễn gọi là Tiên Hưng). Các năm 1832-1890, huyện Thần Khê (tức là huyện Tiên Hưng sau này) thuộc phủ Tiên Hưng, tỉnh Hưng Yên. Năm 1890-1894, huyện Thần Khê thuộc phủ Thái Bình, tỉnh Thái Bình, Sau đó, thuộc phủ Tiên Hưng tỉnh Thái Bình cho đến khi bỏ cấp phủ thì lấy tên phủ làm tên huyện.

Sau khi hợp nhất 2 huyện trên và chuyển 5 xã: Bắc Sơn, Đông Đô, Tây Đô, Hòa Bình, Chi Lăng thuộc huyện Tiên Hưng cũ về huyện Hưng Hà quản lý, huyện Đông Hưng có 47 xã: An Châu, Bạch Đằng, Chương Dương, Đô Lương, Đông Á, Đông Các, Đông Cường, Đông Động, Đông Dương, Đông Giang, Đông Hà, Đông Hòa, Đông Hoàng, Đông Hợp, Đông Huy, Đông Kinh, Đông La, Đông Lĩnh Đông Mỹ, Đông Phong, Đồng Phú, Đông Phương, Đông Quang, Đông Sơn, Đông Tân, Đông Thọ, Đông Vinh, Đông Xá, Đông Xuân, Hoa Lư, Hoa Nam, Hoàng Diệu, Hồng Châu, Hồng Giang, Hồng Việt, Hợp Tiến, Liên Giang, Lô Giang, Mê Linh, Minh Châu, Minh Tân, Nguyên Xá, Phong Châu, Phú Châu, Phú Lương, Thăng Long, Trọng Quan.

Ngày 20 tháng 3 năm 1986, chuyển 2 xã Đông Hòa và Hoàng Diệu về thị xã Thái Bình quản lý.

Ngày 2 tháng 12 năm 1986, thành lập thị trấn Đông Hưng trên cơ sở 52,95 ha diện tích tự nhiên với 2.700 nhân khẩu của xã Đông Hợp; 9,10 ha diện tích tự nhiên với 187 nhân khẩu của xã Đông La và 2,42 ha diện tích tự nhiên với 281 nhân khẩu của xã Nguyên Xá.

Ngày 13 tháng 12 năm 2007, chuyển 2 xã Đông Thọ và Đông Mỹ về thành phố Thái Bình quản lý. Đến nay, huyện Đông Hưng có 43 xã và 01 thị trấn.

Trải qua hàng ngàn năm hình thành và phát triển người dân Đông Hưng luôn tự hào với truyền thống yêu nước cách mạng, truyền thống anh hùng. Trước hết phải kể đến cuộc biểu tình của nông dân Tiên Duyên Hưng vào ngày 01/5/1930, là cuộc biểu tình sớm nhất trên cả nước, là một trong những dấu son chói lọi trên những trang sử đầu tiên của Đảng ta, là sự khởi nguồn dẫn mạch để Thái Bình có cuộc biểu tình của nông dân vào ngày 14/10/1930. Đó cũng là tiền đề để nhân dân Đông Hưng kiên trung một lòng theo Đảng vượt qua bao gian khó, hiểm nguy tiến tới giành chính quyền về tay nhân dân vào năm 1945 cùng cả nước giành lại nền độc lập. Trong kháng chiến chống Thực dân Pháp, người  dân Đông Hưng lại kiên trung bất khuất đối mặt với bao gian khổ, hiểm nguy bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ. “Kho của, kho người” từ vùng đất thiêng này lại một lần nữa chi viện cho các mặt trận đánh thắng quân xâm lược. Dằng dặc những tên đất, tên người của Đông Quan - Tiên Hưng nối tiếp nhau được ghi trong lịch sử 9 năm kháng chiến trường kỳ chống Thực dân Pháp. Những làng kháng chiến Thượng Phú, Hội Phú (Đông Quan), Nguyên Xá, Phong Châu (Tiên Hưng) từng được lịch sử lưu danh. Làng kháng chiến Nguyên Xá đã vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cờ “Nguyên Xá - Làng kiểu mẫu” là một đóng góp quý báu vào kinh điển nghệ thuật chiến tranh nhân dân của Việt Nam, từng được cả nước tìm về học hỏi.

Kháng chiến thành công, phát huy truyền thống từ ngàn xưa, Đông Quan, Tiên Hưng lại sớm trở thành một trong những điển hình thâm canh lúa của Miền Bắc. Quê hương không chỉ ngày đêm vững mạnh đẹp giàu mà còn chi viện lớn lao sức người, sức của cho cả nước trong công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở Miền Băc và đấu tranh thống nhất nước nhà.

Ngoài ra, Đông Hưng cũng là huyện bảo tồn và lưu giữ được nhiều giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Nếu nói Thái Bình là quê lúa thì Đông Hưng vốn từ ngàn xưa đến nay vẫn là điển hình thâm canh lúa của Thái Bình. Cũng vậy nếu nói Thái Bình là đất chèo, là quê hương múa rối nước thì những đặc sản văn hóa này đều hội tụ và lan tỏa từ đồng đất Đông Hưng, để đến hôm nay người Đông Hưng vẫn tự hào với cuộc sống “Sáng rối, tối chèo” và những điệu múa dân gian đặc sắc từng được bạn bè năm châu biết đến.

Nếu nói Thái bình ở mọi thời đại đều nổi trội với truyền thống đứng đầu sóng ngọn gió, quật khởi chống ngoại xâm thì Đông Hưng vốn là vùng đất hội tụ khí thiêng sông biển để sản sinh ra thế hệ những anh tài tuấn kiệt “Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa” xứng với niềm tự hào “Nếu là con mẹ con cha, thì sinh ở đất Duyên Hà - Thần Khê”.

Đặc biệt là những thành tựu sau hơn 30 năm đổi mới. Từ bề dày truyền thống, bằng những kinh nghiệm đã trải qua các thời kỳ lịch sử, ngày nay Đảng bộ Đông Hưng đang lãnh đạo nhân dân trong huyện đoàn kết, sáng tạo, năng động đi lên, ra sức thi đua thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng. Diện mạo nông thôn không ngừng đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên. Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Đến nay 43/43 xã đã hoàn thành các tiêu chí về đích nông thôn mới. Huyện Đông Hưng đang quyết tâm phấn đấu “Huyện đạt chuẩn nông thôn mới” trong năm 2019.